70% doanh nghiệp giấy Việt Nam sử dụng giấy hỗn hợp trong sản xuất, song nguồn nguyên liệu này có thể sẽ bị cấm nhập khẩu trong tương lai gần.
Đây là thông tin được đưa ra trong hội thảo "Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức.
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, nhu cầu sử dụng nguyên liệu phế thải cho ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam tăng 10-20% mỗi năm. Trong đó, ngành giấy là một trong những ngành sử dụng nguyên liệu tái chế phổ biến nhất. Riêng năm 2018, doanh nghiệp Việt cần nhập gần 2,2 triệu tấn giấy tái chế để phục vụ sản xuất. Nhu cầu này gia tăng qua từng năm.
"Đến năm 2025, nhu cầu nguyên liệu giấy bao bì là khoảng 13 triệu tấn, thu gom trong nước đạt 4,3 triệu tấn và chúng ta sẽ phải nhập khẩu 8,9 triệu tấn giấy tái chế", ông Hoàng Trung Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ước tính.
Trong các loại giấy phế liệu được nhập khẩu làm nguyên liệu cho ngành giấy, nhu cầu sử dụng giấy hỗn hợp ở mức cao, chiếm 30-40% tổng khối lượng nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hơn 100 công ty giấy, bao bì, xuất nhập khẩu đang nhập giấy hỗn hợp.
Tuy nhiên, dự thảo mới đây được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo hướng loại bỏ một số loại phế liệu khỏi danh mục cho phép nhập khẩu, trong đó có phế liệu và vụn thừa chưa phân loại, gọi tắt là giấy hỗn hợp.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, dự thảo có thể ảnh hưởng tới nguồn cung giấy hỗn hợp nhập khẩu, vốn là nguyên liệu quan trọng của ngành giấy, trong khi doanh nghiệp và nguồn cung trong nước chưa có thời gian kịp để chuẩn bị.
"Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2018, số lượng giấy hỗn hợp trên tổng số giấy phế liệu nhập khẩu chiếm 37%. Năm 2018 dự kiến các doanh nghiệp nhập khoảng 2 triệu tấn. Giá các loại giấy phế liệu khác khoảng 150 USD mỗi tấn, trong khi giấy hỗn hợp 90-100 USD mỗi tấn". Ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách nêu tính toán, nếu cấm nhập giấy hỗn hợp thì doanh nghiệp buộc chuyển sang nhập bù các loại kia, con số thiệt hại khoảng 37 triệu USD.
Theo vị này, giấy hỗn hợp bị đề xuất cấm nhập khẩu vì giấy phế liệu chưa được phân loại, dẫn đến khó quản lý. Tuy nhiên, phần lớn loại nguyên liệu này được nhập từ châu Âu, Mỹ và có kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể, theo thông tư hướng dẫn về các loại nguyên liệu giấy tái chế của Mỹ, giấy hỗn hợp (mix paper) gồm các loại giấy và các tông có chất lượng khác nhau, không giới hạn ở loại chất xơ, được phân loại và xử lý tại cơ sở tái chế, các tạp chất không vượt quá 2%. Còn theo tiêu chuẩn châu Âu, giấy hỗn hợp cho phép mức tối đa các thành phần không phải giấy cao hơn 1,5%.
Đề xuất giải pháp thay việc cấm nhập giấy hỗn hợp, ông Thưởng cho hay: "Cơ quan chức năng nên kiểm tra tại nhập khẩu, đảm bảo có chứng nhận đầy đủ về tỷ lệ tạp chất đúng quy định hay không, đồng thời, nên kiểm tra tại nhà máy xem doanh nghiệp xử lý vấn đề môi trường trong phế liệu nhập khẩu ra sao".
Theo chuyên gia, việc cấm nhập giấy hỗn hợp đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động, ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành khác như bao bì, đóng gói, xuất khẩu...
Đồng quan điểm, phía các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp trong nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI cho biết, nguồn cung giấy phế liệu trong nước hiện chưa thể đáp ứng lượng thiếu hụt này.
"Hiện tỷ lệ thu hồi giấy phế liệu trong nước rất thấp, chưa tới 40%. Trong khi, mức trung bình thế giới là 56%, Nhật Bản là hơn 80%. Người Việt chưa có thói quen phân rác tại nguồn. Chính phủ chưa có chính sách đồng bộ khuyến khích thu hồi và tái chế giấy. Việc thu gom chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa có hệ thống nên hiệu quả thấp và chi phí thu gom cao", ông Sơn nói nếu nỗ lực rất lớn có thể nâng tỷ lệ thu hồi lên 45% vào năm 2025.
Trong khi đó, ngành giấy là ngành có tính tuần hoàn cao, ngày càng phụ thuộc vào giấy tái chế. VPPA cho rằng, thiếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ gây trở ngại không nhỏ cho ngành giấy, cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp giấy nội địa.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành dự thảo sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg theo hướng thắt chặt, loại bỏ những loại, mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Trong đó, cơ quan này dự kiến loại bỏ giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa) và loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại (gọi tắt là giấy hỗn hợp) ra khỏi danh mục cho phép nhập khẩu (mã HS 4707900).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo bỏ loại phế liệu "giấy loại hoặc bìa loại thu hồi" vì đây là loại phế liệu có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu khác nhau, thu hồi từ nhiều nguồn mà chưa được phân loại, nên thường được sử dụng để tái chế thành các loại giấy chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời baochinhphu.vn, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, giải pháp này sẽ giải quyết các vướng mắc, hạn chế phát sinh trên thực tiễn về quản lý phế liệu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: "Chỉ những doanh nghiệp đủ năng lực, có kho bãi, có đủ công nghệ xử lý mới được cấp phép nhập khẩu phế liệu".
Nguồn: vnexpress
Công ty tư vấn Thủy Lộc sở hữu nhiều chuyên viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật đã thực hiện thành lập công ty cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì thế đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi nếu quý khách có thắc mắc khi khởi nghiệp hoặc gặp khó khăn với các thủ tục pháp lý khác.
Xin Gọi 0918 895 298 để tư vấn tốt nhất.