Tin tức chi tiết

Quy định buộc phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG, nhiều doanh nghiệp kêu khó.

Quy định buộc phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG được các doanh nghiệp cho rằng thiếu khả thi sau một thời gian áp dụng.

Nghị định 87/2018 sửa đổi, thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng vừa có hiệu lực từ đầu tháng 8. Song, trong thời gian ngắn thực hiện, các doanh nghiệp, cửa hàng đại lý kinh doanh gas cho rằng một số quy định thiếu tính khả thi. Theo Nghị định này, các thương nhân kinh doanh mua bán và các trạm sang chiết LPG chai phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai LPG.

Bà Võ Thị Bích Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Gas Thanh Bình cho biết, thực tế triển khai các doanh nghiệp gặp khá nhiều phiền phức. “Việc nhìn bằng mắt số series và hạn kiểm định đã gây nhầm lẫn do số seri mờ, không rõ ràng do vỏ bình trong quá trình luân chuyển trầy xước, vỏ sơn lại nhiều lần. Chưa kể, việc ghi chép này cũng gây thêm ùn tắc giao thông do xe phải dừng đỗ lâu để giao nhận, đối chiếu số seri, ngày kiểm định", bà Ngọc nêu trong văn bản gửi Bộ Công Thương. 

Nhiều công ty kinh doanh gas khác cũng cho biết tương tự. Hiện nay có khoảng 15.000 cửa hàng bán gas chai, chủ yếu là các hộ kinh doanh. Lâu nay các doanh nghiệp đều có sổ bán hàng ghi loại chai, trọng lượng mỗi chai, nhân sự gọn nhẹ. Nay vì quy định mới tốn thêm nhiều thời gian, chi phí, tăng người làm, giao gas chậm.

Kinh doanh gas hơn chục năm nay, bà Hường - chủ một cửa hàng gas tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cửa hàng nhập trên dưới 100 bình gas các loại. Việc ghi lại thông tin serie bình gas, hạn kiểm định, ngày nhập... khiến doanh nghiệp mất thêm nhiều thời gian. Theo bà, mục đích truy xuất nguồn gốc vỏ bình là tốt song không thể quy định kiểu làm thủ công, lý do vỏ bình thu hồi về không giống vỏ bình xuất bán, nghĩa là số series khó trùng khớp với nhau nên việc ghi chép theo dõi chính xác rất khó khăn. 

"Nếu ghi lại thông tin của bình gas từ số sêri, hạn kiểm định, ngày nhập, địa chỉ thông tin khách hàng... mất thời gian rất nhiều, không thể làm được", bà nói và đề nghị cần giải pháp khác như gắn chip điện tử từng bình để dễ quản lý, các hộ kinh doanh cũng đỡ tốn chi phí, nhân lực. 

Trước những bất cập trong triển khai thực tế, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý dừng quy định lập sổ theo dõi vỏ bình gas và tìm giải pháp phù hợp thay thế. 

Không riêng các doanh nghiệp gas kêu khó khăn cơ quan quản lý cũng thấy bối rối với việc thực hiện Nghị định 87. Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội cũng tỏ ra lúng túng.

Nghị định 87 quy định thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống phải đảm bảo điều kiện có bồn chứa khí, đường vận chuyển khí và trạm cấp khí đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy. Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán khí qua đường ống, thương nhân phải nộp bản sao giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa, tài liệu chứng minh có trạm cấp khí đáp ứng quy định về an toàn. Tuy nhiên, thực tế thương nhân có trạm cấp khí nhưng không trực tiếp mà qua đường ống và không có bồn chứa khí. Hoặc doanh nghiệp có bồn chứa khí, trạm cấp, đường ống vận chuyển, song trạm cấp lại không từ bồn chứa cố định mà qua hệ thống dàn chai LPG...

Ông Nguyễn Văn Long, đại diện Sở Công Thương TP Hải Phòng cũng đặt vấn đề, Nghị định chưa nêu rõ tài liệu chứng minh trạm nạp khí cần có những gì, nên khi Sở hướng dẫn doanh nghiệp lập tức bị vấp. 

“Trong hồ sơ cấp phép có nêu ra nhiều quy định về phòng cháy chữa cháy, cũng như giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu an toàn trạm khí nhưng chúng tôi không thể xuống tận doanh nghiệp kiểm tra. Bởi nếu sở kiểm tra nhiều sẽ vi phạm chỉ thị của Thủ tướng, vậy chúng tôi phải làm sao để thẩm định cơ sở vật chất có đúng như trong hồ sơ trước khi cấp phép”, vị này chia sẻ.

Đáp lại những vướng mắc trên, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết, Nghị định 87 đã mở ra rất nhiều thuận lợi, bãi bỏ một số quy định về lượng vỏ bình gas cũng như một số điều kiện kinh doanh khác về quy mô, sở hữu.

Việc quy định lập sổ theo dõi với mục đích bảo vệ doanh nghiệp, kiểm soát số lượng chai, bình mà các đơn vị này sở hữu và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. "Doanh nghiệp có thể biết rõ nguồn gốc chai, bình đó từ đâu, từ đó người tiêu dùng nắm rõ xuất xứ”, đại diện Vụ Pháp chế nói.

Ông cũng nêu quan điểm, doanh nghiệp đưa ra lý do phải đọc seri trên bình gas dẫn đến ách tắc giao thông là chưa thỏa đáng. Theo đó, cơ quan này lưu ý doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ vào việc kiểm soát thông tin trên chai, bình. “Bộ Công Thương không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng phương pháp ghi chép thủ công mà tiến tới sử dụng công nghệ thông tin, không gây chi phí lớn", vị này chốt lại. 

Nghị định 87 được ban hành nhằm sửa đổi cho Nghị định 19/2016. Với việc bãi bỏ những quy định "trói chân" doanh nghiệp liên quan đến yêu cầu về quy mô kinh doanh tối thiểu, như sở hữu số lượng vỏ bình số lượng lớn, kho chứa... nghị định mới được đánh giá là một trong những "điểm sáng" về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương.

Dù bỏ các quy định điều kiện về quy mô, cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương cho rằng kinh doanh gas là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến an toàn tính mạng và sức khỏe con người. Do đó cơ quan này giữ quan điểm "cần kiểm soát chặt chẽ việc sang chiết, lưu hành, lưu thông vỏ bình gas trên thị trường".

Nguồn: vnexpress

 

Công ty tư vấn Thủy Lộc sở hữu nhiều chuyên viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật đã thực hiện thành lập công ty cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì thế đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi nếu quý khách có thắc mắc khi khởi nghiệp hoặc gặp khó khăn với các thủ tục pháp lý khác.

Xin Gọi 0918 895 298 để tư vấn tốt nhất.

CTY TNHH TƯ VẤN VÀ KẾ TOÁN THỦY LỘC

Địa chỉ: 67 Phan Xích Long , P.2, Q.Phú Nhuận 
Điện thoại : (028) 3553 2756 - (028) 3517 1736 
Mobile : 0918 895 298 (Mr Phong) -  0908 518 815 (Mrs Thời)
Email : thuyloccorp@gmail.com
Website: www.thanhlapcongtyhcm.org

Đăng ký nhận email để biết được tin mới nhất từ http://thanhlapcongtyhcm.org